Trang

10 thg 6, 2010

Lịch sử World Cup

Kỳ 1: Lịch sử World Cup (từ 1930 đến 1962)

(Dân trí) - Gần 80 năm, qua 18 lần tổ chức với biết bao nhiêu khoảnh khắc đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới, giờ đây khi World Cup 2010 tại Nam Phi sắp đến gần cũng là lúc để xem lại những nốt thăng trầm của giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới.

Ý tưởng tập hợp những đội tuyển quốc gia mạnh nhất trong một giải đấu tranh chức vô địch thế giới bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ trước, do một nhóm các nhà quản lý bóng đá người Pháp khởi xướng, đứng đầu là Jules Rimet.


Uruguay trở thành đội đầu tiên vô địch World Cup

Ở giai đoạn này bóng đá thế giới đã có những bước phát triển rất nhanh về mọi mặt, từ quy mô đến chất lượng trong khi đó ở Thế vận hội chỉ cho phép các cầu thủ nghiệp dư tham gia nên không thể nào đáp ứng được nhu cầu. Do đó Đại hội FIFA năm 1928 tại Amsterdam đã thông qua việc tiến hành Giải vô địch bóng đá thế giới đều đặn 4 năm một lần (chỉ gián đoạn vào năm 1942 và 1946 do ảnh hưởng của thế chiến 2).

Tên gọi chính thức của Giải vô địch bóng đá thế giới đã có vài lần thay đổi: Đầu tiên nó được gọi là "Cúp thế giới" (World Cup, Coupe du monde) sau đó là "Cup Jules Rimet" (tên của cựu chủ tịch FIFA), rồi đến "Giải vô địch bóng đá thế giới - Cup Jules Rimet" và sau cùng là "Giải vô địch bóng đá thế giới".

World Cup Uruguay 1930: cho lần đầu tiên

Giải đấu đầu tiên năm 1930 được tổ chức tại Uruguay cũng là kỳ WC duy nhất được tổ chức tại một thành phố duy nhất (thủ đô Montevideo) với sự tham gia của 13 đội tuyển. Và chiếc cúp vàng mang tên "Jules Rimet" đã lọt vào tay đội bóng chủ nhà sau khi họ đánh bại người láng giềng Argentina với tỉ số 4-2 trong trận chung kết. Đội trưởng Nassazzi của Urugoay trở thành người đầu tiên nâng cao chiếc cúp Nữ thần chiến thắng trước mặt gần 80.000 CĐV có mặt trên sân Estadio Centenario.

Ngoài ra tuyển thủ người Pháp Lucient Laurent đưa tên mình vào lịch sử là cầu thủ đầu tiên ghi bàn tại Giải vô địch bóng đá thế giới, khi ghi bàn mở tỉ số ở phút 19 trong chiến thắng 4-1 trước Mexico của đội nhà. Còn chân sút người Argentina Guillermo Stabile trở thành vua phá lưới đầu tiên tại WC với 8 bàn thắng, mặc dù trước khi giải đấu diễn ra tiền đạo có biệt danh “El Filtrador” chỉ là sự lựa chọn thứ 2 trên hàng công.


Italia hai lần bước lên ngôi liên tiếp trước thế chiến

World Cup Italia 1934 và Pháp 1938: Sự thống trị của người Ý

Năm 1934, Italia trở thành đất nước thứ 2 tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới. Giải bóng đá thế giới lần này được tổ chức một cách quy mô hơn rất nhiều khi có đến 8 thành phố tham gia đăng cai. Đáng tiếc nhất là sự vắng mặt của Uruguay, đội ĐKVĐ đã từ chối đến châu Âu để trả đũa 4 năm trước Italia đã không tham dự giải đấu ở Montevideo, đó cũng là lần duy nhất một đội ĐKVĐ thế giới không tham dự kỳ WC tiếp theo.

Không có sự tham dự của ĐKVĐ Uruguay, trong khi Á quân Argentina yếu đi trông thấy khi mất đi một số trụ cột vào chính tay người Ý. Đội tuyển Đức, Tiệp Khắc và hiện tượng Áo đã có một kỳ WC rất thành công. Tuy nhiên cũng giống như kỳ WC đầu tiên, đội chủ nhà lại lên ngôi vô địch. Trận chung kết tại Roma diễn ra khá kịch tính và hấp dẫn khi Puch đưa Tiệp Khắc vươn lên dẫn trước. Tuy nhiên Orsi đã kịp thời gỡ hòa ở những phút cuối trận và sau đó Schiavino ghi bàn thắng giúp Italia lội ngược dòng thắng 2-1 trong những phút thi đấu hiệp phụ. Các Azzurri lần đầu tiên bước lên đỉnh thế giới.

Trước khi thế chiến hai nổ ra, Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 3 đã được tổ chức tại Pháp năm 1938. “Viên kim cương đen” Leonidas với khả năng làm xiếc với trái bóng (cầu thủ phát minh ra kiểu dứt điểm “xe đạp chổng ngược” trứ danh) đã có một giải đầu cực kỳ ấn tượng khi dẫn dắt Brazil giành chiến thắng trong tất cả những trận đấu tiền đạo này có mặt, và kết thúc giải đấu với 7 bàn thắng cùng danh hiệu vua phá lưới.

Trận đấu duy nhất mà Leonidas vắng mặt là trận bán kết với ĐKVĐ Italia khi HLV Ademar Pimenta quyết định “cất” tiền đạo chủ lực cho trận chung kết, và cuối cùng đội bóng đến từ Nam Mỹ đã phải trả giá khi chịu thất bại với tỉ số 1-2. Vượt qua đối thủ đáng ngại nhất ở bán kết, Azzurri đã không mấy khó khăn để hạ gục Hungary ở chung kết với tỉ số 4-2 với sự tỏa sáng của huyền thoại thành Milan Giuseppe Meazza. Những người Italia trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch thế giới, thành tích mà chỉ duy nhất Brazil lặp lại được vào các năm 1958 và 1962.

World Cup Brazil 1950: Brazil gục ngã trước cửa thiên đường

Sau 12 năm bị gián đoạn bởi chiến tranh thế giới thứ 2, Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 4 đã được tổ chức tại Brazil vào năm 1950. Với lợi thế chủ nhà, cùng một đội hình mạnh, các vũ công Samba được kỳ vọng sẽ lần đầu tiên bước lên ngôi vô địch và họ đã tiến thẳng đến trận chung kết một cách rất thuyết phục bằng những trận thắng giòn giã.

Selecao đã khởi đầu rất thuận lợi trong trận đấu cuối cùng của giải đấu khi vượt lên dẫn trước nhờ bàn thắng của Friaca. Tuy nhiên, Schiaffino và Gigghia đã kịp thời tỏa sáng giúp cho Uruguay thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục ngay tại thánh địa Maraccana để dành chiến thắng chung cuộc 2-1, qua đó một lần nữa nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới.

World Cup Thụy Sĩ 1954: “Cỗ xe tăng” Đức lần đầu lên ngôi

Giải đấu diễn ra ở Thụy Sĩ thực sự là một bữa tiệc bàn thắng cho các CĐV khi đã có đến 140 bàn thắng được ghi trong vòng 24 trận. “Đội bóng vàng” Hungary cũng thể hiện một sức mạnh tuyệt đối khi ghi đến 25 bàn, trong đó tiền đạo Sandor Kocsis với 11 lần sút tung lưới đối phương đã giành danh hiệu Vua phá lưới. Tính đến trước trận CK, Ferenc Puskas và các đồng đội đã trải qua 33 trận bất bại liên tiếp bằng một lối chơi tấn công hủy diệt (trong đó có trận thắng vang dội 6-3 trước ĐT Anh ngay tại Wembley).


Pele xuất hiện ở World Cup 1958 bằng những màn trình diễn siêu hạng

Gặp lại đội tuyển Đức trong trận chung kết, đội bóng đã từng bị Hungary vùi dập đến 8-3 ở vòng bảng, cơ hội lên ngôi của “những người Magyar ma thuật” là rất lớn. Tuy nhiên cũng như Brazil 4 năm trước, Puskas và các đồng đội đã phải gục ngã trước sự lì lợm “cỗ xe tăng” Đức trong trận chung kết với tỉ số 2-3 mặc dù đã vượt lên dẫn 2-0 chỉ sau 8 phút thi đấu.

World Cup Thụy Điển 1958: Brazil lên ngôi và vị vua đã xuất hiện

Tiền đạo của ĐT Pháp Just Fontaine lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi ghi đến 13 bàn thắng tại một giải vô địch bóng đá thế giới, kỳ tích mà cho đến bây giờ vẫn chưa có bất cứ chân sút cự phách nào có thể lặp lại. Tuy nhiên, đây là giải đấu của Brazil, cùng sự xuất hiện của hai tài năng kiệt xuất của bóng đá thế giới là Garrincha và Pele.

Những tài năng đầy hứa hẹn như Garrincha, Pele hay những ngôi sao như Vava, Zagallo đã tạo nên sức mạnh hủy diệt cho các vũ công Samba tiến thẳng đến ngôi vô địch thế giới lần đầu tiên. Trong trận chung kết, Selecao đã hạ gục đội chủ nhà Thụy Điển với tỉ số 5-2, trong đó “vua bóng đá” Pele lập một cú đúp.

World Cup Chile 1962: Các vũ công Samba trên đỉnh thế giới

World Cup 1962 bị hoen ố bởi những trận cầu bạo lực, “vua bóng đá” Pele trở thành người ngoài cuộc chỉ sau 2 trận đấu khi dính chấn thương trong trận đấu giữa Brazil và Tiệp Khắc. Tuy nhiên đỉnh điểm của bạo lực sân cỏ là trận đấu võ trên sân Santiago giữa Italia và chủ nhà Chile, một vết nhơ trong lịch sử bóng đá thế giới.


Brazil trở thành đội thứ hai sau Italia bảo vệ thành công chức vô địch

Không có Pele, nhưng Brazil vẫn còn có “phù thủy” Garrincha với những pha đi bóng đầy ma thuật. WC 62 chính là những năm tháng đỉnh cao nhất của Garrincha, huyền thoại của Botafogo đã dẫn dắt Selecao vào đến trận đấu cuối cùng bằng phong độ cực kỳ chói sáng và đóng góp đến 4 bàn thắng cho Brazil. Trong trận chung kết dù không thể ghi được bàn thắng nào nhưng Garrincha đã kiến tạo 2 đường chuyền đẹp mắt cho các đồng đội ghi bàn. Selecao vượt qua Tiệp Khắc với tỉ số 3-1 trong trận chung kết qua đó bảo vệ thành công chức vô địch thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét